Một số những công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử văn hóa trên địa bàn phường Cẩm Tây

Mối liên kết với quá khứ là chất liệu tạo nên giá trị lịch sử văn hóa, nếu như không có mối liên kết này chúng ta không còn biết mình là ai và sẽ đi về đâu.

Nằm giữa lòng thành phố mỏ mang nhịp sống sôi động, hối hả như hiện nay vẫn còn sót lại một vùng trầm mặc và cổ kính thông qua những di sản kiến trúc từ những năm đầu thế kỷ XX còn lại trên địa bàn phường Cẩm Tây nói riêng và của Cẩm Phả nói chung. Đây là một trong những kiến trúc quan trọng trên bản đồ di sản của thành phố hướng tới những tiềm năng du lịch trong tương lai.

Sau khi thăm dò kỹ trữ lượng than và tài nguyên biển Đông Bắc, tháng 3/1883 người Pháp chính thức tiến hành đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh. Kể từ đó thực dân Pháp mở thêm nhiều khai trường hầm lò, đầu tư xây dựng các nhà máy lớn như: Cơ khí CamPha, Cơ khí HonGay, Nhà sàng Cửa Ông... thuộc vào loại hiện đại nhất Đông Dương những năm 1920. Đồng thời họ xây dựng, quy hoạch các khu phố của tầng lớp thượng lưu, công chức xứ than, các cai ký, giám thị sinh sống, làm việc dưới thời Pháp thuộc. Họ mở trường học, rạp hát, rạp chiếu bóng, xây nhà thờ, Tòa Đại lý Hành chính cùng nhiều công trình quân sự kiên cố khác.

Cẩm Tây là một trong những khu đô thị được hình thành sớm nhất, và đã từng là khu vực trung tâm sầm uất nhất của Cẩm Phả cách đây hơn một thế kỷ. Trải qua thăng trầm của thời gian, nhiều kiến trúc tọa lạc tại những con phố này đã không còn nữa, nhưng rải rác vẫn còn đó những công trình mang hơi hướng của nền văn minh Pháp, nằm xen kẽ với kiến trúc bản địa trên những cung đường rộng lớn với hàng cây xanh, hay nép mình trong những góc phố yên tĩnh. Cổ kính và trầm lắng, các kiến trúc cổ điển vẫn tồn tại vững chãi như một nét son của lịch sử, một khoảng lặng xao xuyến giữa lòng đô thị phồn hoa…

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ ghi chép những công trình kiến trúc còn sót lại đến thời điểm hiện tại ở phường Cẩm Tây.

1-  Toà Đại lý hành chính Cẩm Phả (văn phòng Thị uỷ cũ):

Đây là nhà ở và là nơi làm việc của "Quan Đại lý Vavasseur - va vát sơ". Viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ (bắt đầu từ năm 1891 thực dân Pháp lập ra những quân khu hoặc đạo quan binh để đối phó với phong trào vũ trang của nhân dân ta, các đạo quan binh ngang cấp tỉnh có quyền đặt ra đại diện quản lý ở một số huyện gọi là Đại lý) phía dưới bên tay phải của tòa nhà hành chính là các biệt thự của chủ Nhì Pro manche “Pờ rô măng”; sếp phụ trách xe điện Le ferre’ “Lơ phe”; sếp cai quản các kho gạo Deline “Đờ lin”…

Ảnh tư liệu-Tòa nhà Đại lý Hành chính Cẩm Phả những năm 1950.

Sau khi khảo sát địa bàn, nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng để xây dựng “Tòa Đại lý hành chính Cẩm Phả” do nằm trên một ngọn đồi cao, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, chỉ có một con dốc độc đạo duy nhất dẫn lên ngọn đồi. Chính vì lẽ đó mà người dân Cẩm Phả thời thuộc Pháp quen gọi là "Dốc ông Đại” khi vùng mỏ được giải phóng năm 1955 khu nhà này được bảo quản vài năm sau đó cho đến khi trở thành văn phòng Thị ủy Cẩm Phả, lúc đó người dân lại gọi với cái tên mới: “Dốc Thị ủy”.

Tòa Đại lý Hành chính Cẩm Phả dưới thời thuộc Pháp (nay là khu nhà lưu niệm vùng than Cẩm Phả). Ảnh Quang Tùy

Sau khi Thị ủy Cẩm Phả chuyển về Cẩm Trung thì nơi này trở thành Trung tâm bồi dưỡng chính trị rồi sau đó trung tâm chuyển về phường Cẩm Thành thì khu nhà này thuộc Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý và sử dụng. Từ năm 2019 Dự án cải tạo, bảo tồn khu Thị ủy cũ thành Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả có diện tích khoảng 4.800m² bao gồm Nhà Thị ủy cũ, Khoa Nhi của Bệnh viện Cẩm Phả cũ, lầu vọng cảnh và hệ thống sân vườn, cây xanh cổ thụ bao quanh đến nay về cơ bản đã hoàn thiện và đang trong quá trình bổ sung thêm tư liệu, hiện vật.

2- Dãy nhà 2 tầng phố Lê lợi A:

Được xây dành riêng cho những cai, ký, người phục vụ làm cho sở mỏ ở đó. Các nguyên liệu để xây dựng cho dãy nhà này là vật liệu cao cấp, có một số được vận chuyển từ Pháp sang. Cho đến nay một số căn nhà đã được người dân tu sửa lại nội thất, mặt tiền cho phù hợp với công năng sử dụng, phần mặt tiền bên ngoài cũng đã bị sửa chữa khá nhiều, các thanh xà được làm bằng thép ray12 rất chắc chắn, Nhưng có thể nhận thấy các khu nhà tập thể này đêu có một kiến trúc, sử dụng nguyên vật liệu khá giống nhau. Tường xây bằng gạch parpaing (ba banh), phía trong các khung cửa đều uốn hình vòm, có hệ thống lò sưởi và thông gió. Các cánh cửa đều là cửa chớp kính rất thoáng và sang trọng. Đây là lớp cấu trúc ở cánh cửa sổ hoặc cửa ra vào dùng những thanh gỗ dẹp xếp song song và chếch nghiêng 45để cản ánh nắng và không bị hắt nước mưa, kể cả khi đóng lại thì vẫn tạo được sự thông thoáng bên trong. Tuy nhiên đến nay chỉ còn rất ít nhà giữ dược cánh cửa nguyên bản này.

Khu nhà hai tầng của công chức, cai ký, giám thị xưa kia tại khu phố Lê Lợi (phường Cẩm Tây) Ảnh: Duy Tâm

3- Dãy nhà ngõ 2, phố Phan Đình Phùng:

Đây là một trong hai khu nhà bệnh xá của Pháp tại khu mỏ (hay còn gọi là nhà thương) và một nhà Thương nữa nằm ở khu lán Ga (phường Cẩm Đông), sau lấy làm tập đoàn 10 của mỏ than Lộ Trí  (Than Thống nhất). Tiếp giáp phía sau lững dãy nhà này là khu nhà dành cho các nhân viên và bác sỹ y khoa Doctor “Đốc tờ” ở.  Sau khi có bệnh viện mới, khu này được lấy làm khu tập thể của nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Lực lượng y, bác sĩ lúc đó rất ít, chỉ có một bác sĩ (Đốc tờ) mọi người gọi là ’Ông Đốc tờ”, còn lại chủ yếu là y tá, hộ lý.

Những Y bác sỹ của khu mỏ Cẩm Phả những năm đầu sau giải phóng làm việc ở dãy nhà này. Ảnh tư liệu gia đình bác Nguyễn Đức Thọ cung cấp

Năm 1958, Bộ y tế cử các y bác sỹ từ Hà Nội về bệnh viện Cẩm Phả được thành lập và chuyển về khu nhà của chủ mỏ xưa nằm trên phố Lê Lợi (Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam hiện nay). Dãy nhà hiện tại chỉ còn lại rất ít giữ được nguyên trạng như xưa.

Khu nhà bệnh xá của Pháp tại khu mỏ Cẩm Phả dưới thời Pháp thuộc. Ảnh: Trương Thành Công

4-  Nhà số 42 đường Nguyễn Du:

Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1923, chủ nhân là một ông cai thầu xây dựng. Nhưng trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà thì việc làm ăn thua lỗ, do đó ông bán lại ngôi nhà này cho ông Phạm Huy Chử (tức là ông Cai Chử) cho đến năm 1932 ông Chử cho tu sửa lại toàn bộ ngôi nhà và đưa gia đình về đó sinh sống. Là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi ở Cẩm Tây cho đến nay còn giữ được khá nguyên vẹn. Căn nhà chia làm ba gian chính, mái lợp ngói marseille (mác xây), cửa sổ bằng gỗ lim, trong kính ngoài chớp. Nền nhà được tôn cao, lát gạch bông, xung quanh có vườn, đặc biệt là có cây hoa Ngọc Lan cổ thụ gần 100 tuổi được trồng cùng với thời gian xây dựng ngôi nhà (rất tiếc là vào đầu năm 2021 cây Ngọc Lan đã không còn nữa).

Ngôi nhà số 42 đường Hòn Gai (nay là đường Nguyễn Du) được xây dựng từ năm 1923. Ảnh: Trương Thành Công

Được bố trí ở giữa là phòng khách, phòng ăn và phòng thờ, hai gian bên cạnh là phòng ngủ. hiện tại ngôi nhà chỉ còn căn phòng ở giữa là khá nguyên vẹn, phía hai bên chỉ còn những nét hoa văn chạm trổ và một phần của bức tường, bậc tam cấp và cột cổng ở phía ngoài. còn nội thất phía trong đã được chủ nhà cải tạo lại.

Ông Phạm Huy Chín là con út, là người con thứ 9 của ông Phạm Huy Chử hiện đang sinh sống ở ngôi nhà này. Ảnh: Trương Thành Công

Theo lời ông Phạm Huy Chín là con út, là người con thứ 9 của ông Phạm Huy Chử hiện đang sinh sống ở ngôi nhà này kể lại: “Trước đây ngôi nhà này còn có một bức bình phong rất lớn đặt ở phía trước cùng với khu chuồng ngựa, để mỗi khi xe ngựa đi từ ngoài cổng vào là dừng xe ở đó mới bước vào nhà. Tuy nhiên, sau trận bom Mỹ đánh phá vào khu phố Lê Hồng Phong và nhà thờ (1966) thì bức bình phong và nơi để xe ngựa bị phá hủy hoàn toàn”

5- Bưu điện cũ (đường Nguyễn Du):

Trước đây dưới thời Pháp thuộc, hệ thống tổ chức Bưu Ðiện không phụ thuộc vào bộ máy hành chính địa phương. Trong một tỉnh có nhiều Ty Bưu Ðiện. Ty trực thuộc Nha Giám đốc bưu điện Bắc phần hoặc Nam phần dưới Ty là các bưu cục. Phương thức hoạt động của các bưu cục đơn giản, chủ yếu phục vụ việc liên lạc của bộ máy cai ký, giám thị và công việc khai thác than của những chủ mỏ Pháp. Ngoài ra còn nhận chuyển điện tín, thư từ, bưu phẩm và ngân phiếu của tư nhân.

Bưu điện Cẩm Phả cũ - Vào những năm 50 của thế kỷ trước, người dân thời thuộc pháp gọi khu nhà này là “Nhà dây thép” Ảnh: Trương Thành Công

Nằm ở giữa trung tâm của phường Cẩm Tây. Tòa nhà Bưu Điện cũ là một công trình khá đẹp, bát mái lợp ngói marseille, tứ góc và hai phía đầu hồi là hình mái đao có dáng vẻ như sáu con rồng đang bay lên lấy cảm hứng như mái đình cổ của người Việt. Những năm 50 của thế kỷ trước, người dân thời thuộc pháp gọi khu nhà này theo kiểu thuộc địa đây là “Nhà dây thép”. Khu nhà được áp dụng các giải pháp thông thoáng, cách nhiệt để phù hợp nhất với điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam thông qua việc bố trí các dãy hành lang, dàn pergola * rộng rãi chạy dọc theo công trình. Phần tường phía sát trần được bố trí các lam gió để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong, hành lang bao quanh rộng khoảng 1,8m tường dày 40cm. Phần mái được thiết kế nhô ra xa để có thể che nắng che mưa. Seno* thu nước được thiết kế chạy dọc theo mái nhà. Phía trên chính giữa có một cái tum mái dùng để thông gió, trên tum có cửa có 2 lớp, đông đóng hè mở. cửa sổ được thiết kế cao và rộng để tăng thêm sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên. Khu nhà này sử dụng phổ biến kiểu cửa chớp đảm bảo cho gió tự nhiên vào trong giúp không gian thoáng hơn. Cho dù trời hè nóng nực hoặc tiết trời đông giá, cũng không ảnh hưởng nhiều cho những người sinh sống và làm việc bên trong.

Một công trình quân sự của người Pháp còn sót lại trên địa bàn phường Cẩm Tây . Ảnh: Trương Thành Công

Phố mỏ của ngày hôm nay sau hơn 30 năm đổi mới đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, những công trình, khu đô thị mới được xây dựng hiện đại ngày một nhiều hơn. Đây là những bước tạo đà cho thành phố công nghiệp sẵn sàng tiến lên, trở thành “thành phố công nghiệp dịch vụ xanh” vào năm 2030. Dấu ấn của kiến trúc thuộc địa trong việc tạo lập bản sắc vùng mỏ là rất rõ ràng và có nhiều giá trị trong việc phát triển đô thị về cả văn hóa, du lịch và kinh tế. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị của các công trình này nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những đặc điểm kiến trúc, cảnh quan lâu đời trong phát triển bền vững, hướng đến một đô thị tôn trọng quá khứ, sống nhân văn và phát triển là rất cần thiết trong thời đại ngày nay

* Pergola vốn là một cấu trúc cổ điển dưới hình thức là một không gian mở. Nó được tạo nên từ các cột lớn đỡ lấy những thanh xà ngang hoặc mái vòm lớn. Pergola cũng ra đời từ thời kì Phục Hưng ở châu Âu.

* Seno là máng hứng nước mưa trên mái nhà. Để đơn giản người ta thường gọi là máng nước. Kích thước của seno phụ thuộc vào khẩu độ mái và lượng mưa.

Trương Thành Công - Trung tâm TT&VH thành phố Cẩm Phả

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2669 Tổng lượt truy cập 362213663

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ

Số giấy phép 43/GP-STTTT ngày 07/07/2021 - Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan thiết lập: Uỷ ban nhân dân thành phố Cẩm Phả
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đinh Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố
Địa chỉ: Số 376 - đường Trần Phú - phường Cẩm Trung - thành phố Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033862291     -      Fax: 02033862291; Email: vanphonghdndubnd.cp@quangninh.gov.vn