Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả một biểu tượng văn hoá của thành phố

Ngược về quá khứ những năm 60-80 của thế kỷ trước, được đi xem phim là một trong những niềm vui háo hức và sang trọng nhất của người vùng mỏ lúc bấy giờ. Hàng năm cứ vào những dịp 19-5; 19-8 hoặc Quốc khánh 2-9 là người dân Cẩm Phả hân hoan đón chờ những bộ phim cách mạng được trình chiếu ở nơi này.

Trải qua hơn một nửa thế kỷ thăng trầm của lịch sử, cùng với sự bào mòn của thời gian và những tác động không nhỏ của con người. Cẩm Phả với khá nhiều công trình kiến trúc cũ vẫn còn in sâu trong ký ức của rất nhiều người những giá trị tinh thần mà các công trình mang tính biểu tượng này để lại cho các thế hệ người dân Cẩm Phả luôn là kho báu vô giá. "Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả" nay là Nhà văn hóa Công nhân là một trong những công trình như thế giờ đây đã thay đổi nhiều, khang trang và hiện đại hơn xưa. Trước đây nó là một trong số rất ít những công trình đẹp nhất, lúc nào cũng đông vui náo nhiệt nhất ở Cẩm Phả. Những năm về sau này ký ức và tên gọi quen thuộc của "Rạp Công Nhân" đến ngày nay vẫn gợi lên nhiều cảm xúc thật bâng khuâng…

Bức ảnh tư liệu được chụp vào năm 1985 khi những bộ phim được trình chiếu vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9

Trong tập 3 của bộ tiểu thuyết “Đất bỏng” của nhà văn Trần Tâm có đoạn viết về khu đất xây dựng rạp như sau: “Nơi này trước đây là bãi bắn bia. Bia làm bằng ống, bằng gáo hoặc là mảnh bìa đặt trên hòn đá. Lính Pháp thường đều lấy chỗ này làm nơi tập bắn hàng ngày”. Sau khi vùng mỏ giải phóng (1955). Chỉ sau 5 năm, mảnh đất và con người thị xã Cẩm Phả đã thay đổi hẳn. Các khu nhà ở lụp xụp đã được thay bằng các dãy nhà ngói khang trang dành cho công nhân ở phố Hoà Bình, đường Lê Hồng Phong thì công trình này được coi là cơ sở văn hoá to và đẹp nhất tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ mang đến cho nhân dân những niềm vui lớn, là niềm kiêu hãnh của một thế hệ khi kể về rạp chiếu phim của thị xã vùng than khi ấy có thể sánh với các rạp chiếu phim nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội như: rạp Đại Nam, rạp Tháng Tám, rạp Kim Đồng... 

 

Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả năm 2008 (ảnh Photobucket)

Là nơi được người dân rất nhiều thế hệ yêu mến, đón đợi món ăn tinh thần qua các bộ phim chủ yếu do Liên Xô và các nước XHCN khác cung cấp như: “Đàn sếu bay qua; Sông Đông êm đềm; Bài ca người lính”...và khi mà điện ảnh nước nhà bắt đầu tự sản xuất được những bộ phim chất lượng, người đến rạp rất đông, hễ cứ có phim mới được thông báo ở cửa rạp là không khí náo nhiệt hẳn lên, ai cũng cố kiếm cho được tấm vé để đón xem phim của Việt Nam với các bộ phim kinh điển như: “Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Chị Tư Hậu, Sao Tháng tám; Cánh đồng hoang; Ván bài lật ngửa”...Theo những người trước đây thuộc Ban kiến thiết xây dựng cơ bản là đơn vị trực tiếp thi công xây dựng rạp cho biết:  “Năm 1960 rạp được khởi công và khánh thành vào năm 1962 được thiết kế 2 tầng chứa được khoảng 400 khán giả. Chân ghế được cố định bằng sắt, ghế ngồi làm bằng gỗ có tựa lưng gấp lên xuống để thuận tiện khi ra vào. Toàn bộ tường được tiêu âm. Riêng hai chữ CẨM PHẢ ở ngoài đắp nổi bằng vữa sần sùi màu đen với kiểu chữ Balan nét thanh nét đậm là do một người gốc Hoa thiết kế. Đây cũng là tác phẩm ông dành nhiều tấm huyết và cảm thấy đẹp nhất lúc bấy giờ, chính ông cũng tự cảm thấy tự hào về điều đó”. Tên và nội dung của phim được các họa sĩ vẽ thông qua các tấm bích họa bằng bột màu trên chất lệu tôn thùng phuy cán ra, họa lắm mới có pano vải treo ở trước cửa rạp nhưng cũng rất sinh động và hấp dẫn không kém gì so với những tấm pano, Affches phim ở Thủ đô

 

Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả trở thành Nhà văn hoá Công nhân Cẩm Phả vào năm 2010 (ảnh Thắng Nguyễn)

Những năm ấy cũng chưa phổ biến kỹ thuật thuyết minh lồng tiếng, nên mỗi khi có phim nước ngoài phải có người thật ngồi sau màn chiếu để đọc trực tiếp lời thoại của từng nhân vật, do đó có đôi lúc hình ảnh trên phim nhanh hơn hoặc chậm hơn so với lời đọc thuyết minh thế mà tất cả khán giả ai nấy đều vui vẻ cả. Thời bấy giờ rạp trưởng là cụ Sáu, cụ Trinh, Cụ Thính và người thuyết minh nổi tiếng là cụ Toàn và một số người khác. Đến những năm sau này rạp còn hàng tháng tổ chức phục vụ hoc sinh các trường cấp 2, cấp 3 vào xem phim vào các buổi chiều tạo cho các em có những trải nghiệm bổ ích lý thú sau những giờ học. Bước sang thế kỷ XXI cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện, công nghệ truyền thông hiện đại khác thì việc người dân đến xem phim ở rạp cũng vắng bóng dần. Năm 2010 theo Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 29 tháng 07 năm 2010 của HĐND thị xã Cẩm Phả về việc đổi tên "Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả" thành "Nhà văn hoá Công nhân Cẩm Phả" thì rạp cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và trở thành Nhà văn hóa Công nhân Cẩm Phả như ngày nay.

 

Nhà văn hóa Công nhân Cẩm Phả ngày nay

Theo những người cao tuổi đã từng công tác ở các mỏ than kể lại về việc đặt tên cho rạp là khi chính quyền thị xã Cẩm Phả đặt vấn đề với ngành than để phối hợp xây một rạp chiếu phim cho người dân vùng mỏ, lúc bấy giờ Phó Giám đốc Công ty Than Cẩm Phả là đồng chí Nguyễn Tất Dần (tức Bẩy Dần) mong muốn thị xã ghi thêm hai chữ “Công nhân” vào trước chữ “Cẩm Phả” để thành tên là “Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả” cho dù công nhân đi xem phim vẫn phải mua vé bình thường. Điều đó hết sức có ý nghĩa thật đáng trân trọng đối với giai cấp công nhân vùng mỏ, làm sâu sắc thêm đặc điểm văn hóa thợ mỏ, giá trị lịch sử và định hướng phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”. Đồng thời phát huy các giá trị giáo dục, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có trách nhiệm tiếp bước những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông đi trước, để tự hào là công dân Cẩm Phả với văn hóa “Hào sảng- Đoàn kết - Đức độ - Tài năng và Nghĩa tình”

 Trương Thành Công (Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Cẩm Phả)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2323 Tổng lượt truy cập 362213034

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ

Số giấy phép 43/GP-STTTT ngày 07/07/2021 - Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan thiết lập: Uỷ ban nhân dân thành phố Cẩm Phả
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đinh Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố
Địa chỉ: Số 376 - đường Trần Phú - phường Cẩm Trung - thành phố Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033862291     -      Fax: 02033862291; Email: vanphonghdndubnd.cp@quangninh.gov.vn