Hội nghị quán triệt, học tập và triển khai các Quy định, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy

Ngày 26/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 212 điểm cầu toàn tỉnh để quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW, Quy định 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 17-NQ/TU và Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng một số Quy định khác của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương cùng hơn 19.000 cán bộ, đảng viên trong toàn Tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 212 điểm cầu toàn tỉnh 

Dự tại điểm cầu thành phố Cẩm Phả có đồng chí Nguyễn Anh Tú, Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự tại điểm cầu Cẩm Phả

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Ngày 27/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU, trong đó xác định chủ đề năm 2024 là "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh". Nghị quyết đã xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu, gồm 3 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, 6 chỉ tiêu về kinh tế, 3 chỉ tiêu về xã hội và 3 chỉ tiêu trong lĩnh vực môi trường. Trong đó: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách du lịch; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Phấn đấu toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh, cao gấp 1,4 lần so với mặt bằng chung toàn quốc…

Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Nghị quyết đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Điểm cầu TP Cẩm Phả

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy quán triệt Nghị quyết 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu chung của Nghị quyết phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng "Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh" phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh "Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc" để văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết cũng xác định 3 khâu đột phá: Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể - nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân, nâng cao hàm lượng văn hóa trong kinh tế, vì hạnh phúc nhân dân. Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Cùng với đó là 18 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cùng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy quán triệt Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định số 1216-QĐ/TU ngày 12/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; Quyết định 1217-QĐ/TU ngày 12/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy.

Phát biểu chỉ đạo và làm rõ hơn một số nội dung của Nghị quyết 20-NQ/TU, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, Nghị quyết xác định phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh... lấy con người làm trung tâm, “dân là gốc”, vừa nâng cao đời sống vật chất, vừa nâng cao đời sống tinh thần và hạnh phúc của người dân, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh một số quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, trọng tâm là xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển. Huy động, tổ chức, phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả. Quan trọng nhất là xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. “Văn hóa là một nguồn tài nguyên tiềm tàng, quý hóa nhất; con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và các sở, ngành tiếp tục phải thật sự có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự gương mẫu, kịp thời chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, trì trệ, chủ quan, duy ý chí hoặc rập khuôn máy móc. Đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Nhấn mạnh đến một số vấn đề cần lưu ý trong quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, giải pháp. Trong đó phải tập trung vào các nhiệm vụ cốt yếu hàng đầu để hiện thực hóa 3 khâu đột phá. Đó là phải tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong Đảng, các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị. Xây dựng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là sự nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Làm cho giá trị văn hóa thẩm thấu và tỏa sáng trong từng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng; trong khoa học lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; trong công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, công tác dân vận của Đảng. Phải thường xuyên chăm lo, làm giàu, nâng tầm trí tuệ, năng lực lãnh đạo, năng lực sáng tạo, cầm quyền của Đảng.

Với phương châm “lãnh đạo đi trước, đảng viên tiếp bước, làng nước theo sau”, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là tấm gương về văn hóa, đạo đức, lối sống, tự học và sáng tạo, tận tụy phục vụ nhân dân. Người đứng đầu phải khiêm tốn, cầu thị, cẩn thận, gian khổ phấn đấu vì sự phát triển của địa phương, vì hạnh phúc nhân dân. Phải làm cho cán bộ, đảng viên quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, bị ràng buộc thông qua tăng cường giáo dục kỷ luật nghiêm minh, tăng cường chấp hành kỷ luật; dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên nhớ những điều cấm, giữ giới hạn.

Đặc biệt để hiện thực hóa hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh, cần tập trung vào các nhóm giải pháp về thể chế, về tổ chức, về giáo dục - tuyên truyền. Nhất là tập trung cho giải pháp phát triển trên cơ sở cụ thể hóa đưa các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị địa phương vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp hài hòa, tạo mối liên thông giữa đầu tư phát triển văn hóa với giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức quán triệt sâu rộng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để các Quy định, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy sớm đi vào cuộc sống.

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1135 Tổng lượt truy cập 362307120

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ

Số giấy phép 43/GP-STTTT ngày 07/07/2021 - Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan thiết lập: Uỷ ban nhân dân thành phố Cẩm Phả
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đinh Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố
Địa chỉ: Số 376 - đường Trần Phú - phường Cẩm Trung - thành phố Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033862291     -      Fax: 02033862291; Email: vanphonghdndubnd.cp@quangninh.gov.vn