Văn hóa công nhân vùng mỏ qua những công trình xưa

Cẩm Phả là một điển hình trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân vùng mỏ. Sau những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cùng với sự bào mòn của thời gian và những tác động không nhỏ của con người, Cẩm Phả với khá nhiều công trình kiến trúc cũ giờ chỉ còn trong ký ức người già hay trong những tập ảnh tư liệu. Những giá trị tinh thần mà các địa chỉ này để lại cho các thế hệ người Cẩm Phả luôn là kho báu vô giá. Để mỗi khi nhớ về rất nhiều người đều bồi hồi hoài niệm in đậm trong ký ức của người Cẩm Phả xưa. Văn hóa của Vùng mỏ nói chung và Cẩm Phả nói riêng có nhiều nét đặc biệt. Đó là sự hội tụ dân cư nhiều nơi về làm ăn sinh sống, làm phu mỏ từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó chủ yếu là từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng nhau chung sống hài hòa, tạo nên sự đa dạng về văn hóa rất phong phú đến từ nhiều vùng miền được thể hiện rõ nhất qua các Lễ hội; Các loại hình nghệ thuật đường phố; Liên hoan tiếng hát khu dân cư hoặc các kỳ Đại hội thể dục thể thao của thành phố trở thành nét đặc trưng của văn hóa vùng mỏ rất riêng.

Những chuyến xe về miền ký ức ...

Đầu tiên là Bến xe công nhân là nơi tập kết xe ca đưa công nhân lên khai trường sản xuất. Địa điểm đặt bến xe bắt đầu lần lượt từ các bến (Cửa Ông, Cầu hai mươi, Cọc 7, Cao Sơn, Cọc ba, Độc Lập, Dốc 52, Dốc ba tầng, Địa Chất, Bảng tin km5, km7...) trong số các bến xe trên thì “Bến xe ba tầng” là bến được xây dựng khang trang và có hệ thống nhất. Gọi là “Bến Ba tầng” vì ở vị trí gần các lô nhà tập thể ba tầng nên mọi người quen gọi như thế cũng giống như tên gọi “Dốc ba tầng”.

Bến xe ba tầng cũ (ảnh Trương Thành Công)

Xe chở công nhân lên mỏ ngày đó là những chiếc xe gấu thùng được hoán cải (còn có tên gọi khác là xe trâu). Người lái và phụ xe ngồi cabin phía trên còn thùng xe chở công nhân ở phía sau. Trên "thùng" không có ghế, chỉ duy nhất hai ống sắt hàn ngang thùng vừa là đảm bảo kết cấu chắc chắn vừa là để đứng bám, cứ ai có vé (hay còn gọi là tích kê) thì lên xe... đứng thoải mái, ở hai cửa lên xuống lúc nào cũng thường trực dòng chữ "cấm bám nhảy", khi đủ người trên thùng thì phụ xe đóng chốt cửa là khởi hành, ai muốn xuống không đúng bến thì thò tay đập đập vào thùng xe kêu bác tài đỗ. Mái che được đan bằng tre nứa rải thêm lớp nhựa đường, giấy ni nông và giấy dầu cho khỏi dột. Mùa hè thì khá nóng, trời mưa mỗi người phải chuẩn bị sẵn mảnh áo mưa (miếng nilon cắt độ 2m2 lên người và xoay theo chiều gió) còn mùa đông thì rét cắt da cắt thịt, bác nào lên trước thì chui vào giữa thùng xe đứng cho ấm..

Một trong những chiếc xe chở công nhân lên mỏ khi xưa (Ảnh tư liệu)

Những bác tài chạy “xe trâu” đều là người có bề dày kinh nghiệm về kỹ thuật và rất khỏe bởi xe to, công nghệ hạn chế nên hay hỏng vặt, vận hành rất vất vả. Ngoài việc chở công nhân đi làm trên công trường những chiếc xe này còn dùng nhiều việc khác như vào dịp cuối tuần là cho xe đưa công nhân đi xem bóng đá tại sân vận động Hòn Gai, thậm chí dùng để đưa đón công nhân về quê ăn tết hàng năm, chở người dân đi lại, học sinh đi nhờ... Chiếc xe như “người bạn thân” của người dân Cẩm Phả.

Bia hơi và thợ mỏ

Trong một lần cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống thăm mỏ than Quảng Ninh, cảm thông với công nhân mỏ phải làm việc cực nhọc trong điều kiện quá nóng nực, vất vả, ngoài việc quan tâm đến đời sống sinh hoạt trong lao động sản xuất của thợ mỏ, Thủ tướng ân cần hỏi anh em công nhân:

- "Các cô chú có nguyện vọng gì không?"

- "Thưa Thủ tướng, chúng tôi chỉ có nguyện vọng là được uống bia hơi ạ!".

Ngày ấy bia hơi còn là một mặt hàng đắt đỏ và hiếm, chỉ thủ đô mới có. Sau lần ấy, Thủ tướng đã chỉ thị cho Nhà máy Bia Hà Nội phải sản xuất bia hơi phục vụ cho công nhân vùng than. (Đó chính là nền móng cho sự ra đời và phát triển của bia hơi Hà Nội ngày nay). Hai tháng sau, nhà máy Bia Hà Nội đã chế tạo ra thùng chứa xi - téc loại 10.000 lít bia để trên xe tải chở bia xuống vùng mỏ phục vụ cho anh em công nhân và được anh em công nhân vùng than đón nhận với niềm vui sướng, tự hào.

Hồi đó mỗi lần xe bia về khu văn phòng các mỏ thực sự là ngày hội (Ảnh tư liệu)

Hồi đó, mỗi lần xe bia về khu văn phòng các mỏ thực sự là ngày hội. Các gia đình thợ mỏ, các anh các chú công nhân tập thể khi nhận được thông báo đi mua bia hơi toàn đem siêu (ấm) nước, nồi nhôm, thau men, phích nước, can nhựa để đựng..., mỗi cá nhân chỉ được mua giới hạn vài lít chứ không được mua nhiều, khi xếp hàng mua xong thì rót ra cái bát ăn cơm để uống (cốc vại thủy tinh mãi sau này mới có). Các bà bán hàng nước ở gần các điểm này cũng rất nhanh nhạy bán thêm mồi như bánh đa, lạc rang, mực khô. Khi nướng mực cũng không có cồn như bây giờ mà chủ yếu là dùng cái thau men bị tróc men cho than củi vào rồi dùng quạt tay để nướng. Người mua bia tay cầm xèng (hay còn gọi là cà vẹc) trượt theo đường dây thép, phụ tá cầm xô hoặc chậu để đong và hứng. Cứ chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật mới có, không khí thật tưng bừng phấn khởi. Thế mới biết, công nhân vùng than sau những ngày lao động vất vả nhưng nguyện vọng của họ cũng thật giản dị, chỉ một vại bia thôi đã là mơ ước rồi! Ngày ấy đi học về, mỗi khi có bia hơi, bố luôn phần sẵn một ca tráng men pha thêm đường mát lạnh cho anh em tôi uống một hơi say mèm ngủ đến giờ ăn cơm luôn...

Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả xưa...

Trải qua hơn một nửa thế kỷ thăng trầm của thời cuộc, Rạp chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả nay là Nhà văn hóa công nhân giờ đây đã thay đổi nhiều, khang trang và hiện đại hơn xưa. Vào những năm 60, nó là một trong số rất ít những công trình văn hóa đẹp nhất, lúc nào cũng đông vui náo nhiệt nhất ở Cẩm Phả, đã từng là sự kiêu hãnh của một lớp người khi  kể về thị xã vùng Than. Khi ấy rạp có thể sánh với các rạp chiếu phim nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội như: rạp Đại Nam, rạp Tháng Tám, rạp Kim Đồng... Theo những người dân sống lâu năm ở đây thì cho biết thêm: "thời Pháp thuộc, khi chưa xây dựng rạp thì khu đất này là “bãi bia” tức là khu vực tập bắn của binh lính Pháp". Còn những người trước đây thuộc “Ban kiến thiết xây dựng cơ bản” là đơn vị trực tiếp thi công kể lại: “Rạp được xây dựng khởi công vào năm 1960 đến năm 1962 thì cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng. Có thông tin khá thú vị cho rằng: “đó là khi chính quyền thị xã Cẩm Phả đặt vấn đề với ngành than về việc phối hợp xây một rạp chiếu phim cho người dân vùng mỏ, lúc bấy giờ Phó Giám đốc Công ty Than Cẩm Phả là đồng chí Nguyễn Tất Dần (tức Bẩy Dần) muốn thị xã ghi thêm hai chữ “CÔNG NHÂN” vào tên của rạp cho dù công nhân đi xem phim vẫn phải mua vé bình thường. Thoả thuận ấy vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Điều đó hết sức có ý nghĩa thật đáng trân trọng”.

Rạp chiếu bóng công nhân Cẩm Phả năm 1985 (Ảnh tư liệu)

Về kiến trúc thì bốn xung quanh bề mặt tường của rạp được vẩy vữa kiểu tổ ong để cách âm bên ngoài và thẩm âm bên trong, trên trần là những tấm vải lớn rất dày theo phong cách cổ điển giống như trong các rạp hát ngày xưa ở Châu Âu . Nhiều lần đang xem phim thì mất điện, rạp tối om, nóng bức, khán giả ồn ào nói chuyện, thậm chí cả huýt sáo, la ó...Người coi rạp phải mở cửa cho thoáng. Và Ồooo... đó là âm thanh vang rạp lúc có điện trở lại, một trong những kỷ niệm rất vui của rất nhiều người đã từng xem phim ở đây (ấy vậy mà không ai bỏ về mới hay chứ). Có khá nhiều cụ đã từng là rạp trưởng như cụ Sáu, cụ Trinh, cụ Thính, người thuyết minh nổi tiếng là ông Toàn. Gắn liền với đó là tên tuổi của các họa sỹ chuyên vẽ những tấm bích họa cho phim rất sinh động treo ở hai bên cửa rạp, một tấm vẽ quảng cáo phim đang chiếu, một tấm vẽ lịch phim chiếu trong tháng. Đây là nơi được người dân rất nhiều thế hệ yêu mến, đón đợi đầy háo hức. Hàng năm cứ vào những dịp 19-5, 19-8 và Quốc khánh 2-9 là người dân vùng mỏ háo hức đón chờ những bộ phim cách mạng được trình chiếu ở nơi này qua các bộ phim chủ yếu do Liên Xô và các nước XHCN khác cung cấp như: “Đàn sếu bay qua; Sông Đông êm đềm; Bài ca người lính; Trên từng cây số” và phim của Việt Nam với các bộ phim kinh điển như: “Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Chị Tư Hậu, Sao tháng Tám; Cánh đồng hoang; Ván bài lật ngửa, Mối tình đầu; Hà Nội mùa chim làm tổ; Bao giờ cho đến Tháng mười..”. Rạp được nhận Huân chương kháng chiến hạng Ba năm 1967.

 Rạp Chiếu bóng Công nhân Cẩm Phả năm 1992 (Ảnh tư liệu của Đảng bộ phường Cẩm Tây)

 Rạp Chiếu bóng công nhân Cẩm Phả năm 2008

Những năm 80 các nhà trường cấp 2 của thị xã thường cho học sinh đi xem phim tập thể, buổi sáng cho học sinh khối chiều, buổi chiều cho học sinh khối sáng, vé đồng loạt 2 hào/ 01 học sinh bởi ngày ấy tivi chưa có nhiều, đến cuối những năm 80 đầu những năm 90 rạp bắt đầu giảm dần lượng khách, vì lúc này các ấn phẩm băng phim của Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ.. cùng với việc nhiều nhà sắm tivi, đầu câm... Những năm về sau này rạp xuống cấp, tuy được cải tạo sửa chữa khá nhiều lần nhưng vẻ đẹp và tên gọi quen thuộc "Rạp Công Nhân" ngày nay vẫn gợi lên nhiều ký ức, cho người ta những cảm xúc khó tả…Công trình một thời là biểu tượng văn hóa, là kỷ niệm ngọt ngào và là điểm hẹn chắp cánh cho nhiều ước mơ...

Bách hóa tổng hợp xưa...

Xuyên suốt trong chặng đường phát triển của thành phố Cẩm Phả. Bách hóa tổng hợp gợi lên biết bao ký ức xưa khó phai nhòa trong tâm trí những người dân phố mỏ, về một thời kỳ mà niềm vui không thể đong đếm bằng vật chất mà là những giá trị tinh thần vô giá còn mãi với thời gian.

Bách hoá tổng hợp thời bao cấp là một dãy nhà hai tầng được xây tương đối hiện đại vào thời điểm bấy giờ. Nền lát gạch bông, cầu thang có tay vịn chắc chắn. Các quầy hàng được bố trí riêng thành từng khu mà bên ngoài cửa ra vào ghi rõ (BACH HOA VAI SOI – Bách hóa vải sợi) và (KIM KHI HOA CHAT – Kim khí hóa chất)

Một góc của Bách hóa tổng hợp năm 1973 (Ảnh tư liệu)

Ở khu “bách hóa vải sợi” chủ yếu là các quầy bán vải, quần áo trẻ em, người lớn, giày dép, mũ, bảo hộ lao động được gấp xếp hình rất đẹp mắt. Nhiều nhất vẫn là các loại vải được xếp thành từng chồng rực rỡ màu sắc đủ loại từ vài giềm bâu, phin nõn, sa tanh, tuyết nhung, lụa…Còn “khu kim khí hóa chất” thì phong phú hơn từ các loại phụ tùng xe đạp đến tivi, đài radio cassette, xà phòng thơm, xà phòng bột, xà phòng kem, văn phòng phẩm, bút máy, bát đũa, ấm chén, phích nước, thiết bị điện như ổ cắm, phích cắm, cùng các vật dụng trong gia đình như các loại chủ yếu là đồ nhôm như ấm đun nước, nồi, mâm, chậu giặt thôi thì đủ cả. Ngoài ra không thể kể đến khu quầy thực phẩm, đặc biệt nhộn nhịp đông vui vào những dịp cận tết từ các loại gạo nếp tẻ, đỗ xanh, chè Thái Nguyên đóng gói, thuốc lá, rượu màu, thịt lợn, cá hộp…Còn một khu trong Bách hóa cũng rất đặc biệt nữa đó là quầy hàng trưng bày với một tấm biển ghi rõ “hàng mẫu không bán” gồm các mặt hàng quý hiếm, đắt tiền…Cho đến tận bây giờ rất nhiều người vẫn không quên được cảm giác đươc hít hà cái mùi rất riêng của bên trong bách hóa, nó có mùi thơm của các loại xà phòng, vải, từ mùi cao su của những chiếc lốp xe…rất khó quên.

Những chiếc kem que đậu xanh mậu dich khi xưa (ảnh sưu tầm)

Bách hóa thường mở cửa từ 7h30 sáng cho đến 21h00’ hàng ngày, mậu dịch viên thì bố trí làm 3 ca. Vào những dịp cuối tháng 12 dương lịch, nhất là ngày 31/12 thì Bách hóa đóng cửa muộn hơn đến tận 23h00’ để phục vụ bán phân phối hết tem phiếu vải cho nhân dân. Những ai là công nhân mỏ thì có tem phiếu vải là 5m, còn lại mức chung là 4m. Những ngày này thường rất đông, phải xếp hàng và đôi khi chen lấn rất vất vả mới đến lượt. Sau khi mua được hàng thì sang bên kia đường nơi có “của hàng ăn uống số 1” cũng lại phải xếp hàng để mua được que kem đậu xanh mậu dịch giá hai xu thật ngọt ngào và khó quên.

Siêu thị TTP ngày nay (Bách hóa tổng hợp khi xưa) ảnh Phạm Quang Đức

Trong tương lai gần, thành phố mỏ sẽ tiếp tục có thêm nhiều hơn nữa các công trình được triển khai. Cụ thể là trước tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 (ở ngay đối diện Bách hóa tổng hợp) Tập đoàn TKV sẽ khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng quảng trường 12-11 mang tầm vóc hiện đại hơn để phục vụ các sự kiện lớn và là nơi vui chơi, tham quan của người dân vùng mỏ. Đây là một trong những bước tạo đà đẻ xây dựng Cẩm Phả là đô thị công nghiệp, dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại, giàu đẹp, văn minh; phấn đấu đến năm 2025 phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị thành phố cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố công nghiệp dịch vụ “xanh” đô thị loại I vào năm 2030.

 

Trương Thành Công (Trung tâm TT-VH TP Cẩm Phả)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 333 Tổng lượt truy cập 362299412

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ CẨM PHẢ

Số giấy phép 43/GP-STTTT ngày 07/07/2021 - Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan thiết lập: Uỷ ban nhân dân thành phố Cẩm Phả
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đinh Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố
Địa chỉ: Số 376 - đường Trần Phú - phường Cẩm Trung - thành phố Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033862291     -      Fax: 02033862291; Email: vanphonghdndubnd.cp@quangninh.gov.vn